KINH TẾ QUỐC TẾ
(International Economics)
- Học phần “Kinh tế quốc tế” giúp học viên hiểu sâu sắc và có hệ thống về tính liên hệ tác động qua lại lẫn nhau về mặt kinh tế giữa các quốc gia thông qua các quan hệ kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, các mối quan hệ kinh tế này chịu sự tác động của việc điều chỉnh các công cụ chính sách thương mại, chính sách đầu tư cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô của các quốc gia để vừa nhằm bảo hộ thị trường trong nước, tranh thủ nguồn vốn và công nghệ tiên tiến nước ngoài, đồng thời đạt được các mục tiêu cân bằng đối nội và đối ngoại. Các nước đang phát triển muốn tranh thủ được lợi ích từ thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế thì cần phải có chính sách chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đồng thời có chính sách thu hút đầu tư quốc tế phù hợp, hiệu quả.
- Học phần này được tổ chức theo 04 chuyên đề. Chuyên đề 1 giúp học viên hiểu rõ bản chất và tác động của các công cụ phi thuế quan; nhận biết được tình hình áp dụng và tác động của các công cụ này đối với trường hợp các nước nhỏ và trường hợp các nước lớn; Chuyên đề 2 giúp học viên hiểu rõ vai trò và tác động của thương mại quốc tế đối với phát triển kinh tế trong trường hợp các nước đang phát triển và các nước phát triển; Luận giải nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vấn đề mà các nước đang phát triển đang gặp phải (vấn đề đói nghèo, nợ nước ngoài, bảo hộ…) do các nước này chủ yếu xuất khẩu hàng nguyên liệu, sơ chế có giá trị gia tăng thấp; Chuyên đề 3 giúp học viên hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư gián tiếp nước ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài; từ đó có khả năng phân tích thực tế tác động của di chuyển vốn đầu tư quốc tế và đề xuất được những chiến lược, giải pháp phù hợp, hiệu quả gắn với phát triển bền vững. Chuyên đề 4 giúp học viên hiểu rõ nội hàm của các chính sách kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế mở và các giải pháp để điều chỉnh các chính sách này trong nền kinh tế mở để đồng thời đạt được mục tiêu cân bằng đối nội và cân bằng đối ngoại.